Nhu cầu thị trường thế giới tăng, đơn hàng quay trở lại đã góp phần quan trọng giúp thương mại hàng hóa tiếp tục có xu hướng phục hồi tích cực.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố đã chứng minh điều này. Cụ thể, chỉ riêng trong tháng 4/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 61,20 tỷ USD, giảm 5,2% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%.

Thương mại hàng hóa của Việt Nam đang tiếp tục xu hướng phục hồi

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2024 ước đạt 30,94 tỷ USD, giảm 8,1% so với tháng trước, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 21%, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 90,02 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 72,8%.

Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2024 có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,8%.

Cả 5 mặt hàng này đều có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện đạt trên 21,6 tỷ USD, tăng 34,9%; điện thoại và linh kiện đạt trên 18,4 tỷ USD, tăng 6,6%; máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng khác đạt trên 14,5 tỷ USD, tăng 10%; dệt may đạt 10,37 tỷ USD, tăng 6,5%; còn giày dép đạt 6,54 tỷ USD, tăng 5,7%.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2024 ước đạt 30,26 tỷ USD, giảm 2% so với tháng trước, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 115,24 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 41,86 tỷ USD, tăng 19,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 73,38 tỷ USD, tăng 13,1%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2024, có 20 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 78,9% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 39,4%, là điện tử, máy tính và linh kiện (31,34 tỷ USD) và máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (trên 14 tỷ USD).

Điện thoại và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam

Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa tháng Tư ước tính xuất siêu 0,68 tỷ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,4 tỷ USD, cao hơn đáng kể so với con số 7,66 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,24 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,64 tỷ USD.

Hiện tại, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 34,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 41,6 tỷ USD.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 29,6 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 11,4 tỷ USD, tăng 16,7%; xuất siêu sang Nhật Bản 209 triệu USD, giảm 41,8%; nhập siêu từ Trung Quốc 23,6 tỷ USD, tăng 41,4%; nhập siêu từ Hàn Quốc 8,7 tỷ USD, tăng 2,3%; nhập siêu từ ASEAN 3,6 tỷ USD, tăng 47,1%.

Như vậy, sau 4 tháng, thương mại hàng hóa là tích cực, cả xuất và nhập khẩu, cũng như xuất siêu đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, dấu hiệu đáng chú ý là trong tháng Tư, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm so với tháng trước. Những bất ổn địa chính trị toàn cầu thời gian gần đây có thể là một yếu tố tác động đến kinh tế toàn cầu, trong đó bao gồm xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Và đây là điều đáng chú ý.